Công ty chúng tôi là công ty có vốn nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam, hiện tại chúng tôi đang có nhu cầu thành lập thêm một công ty con nữa. Vậy chúng tôi làm tương tự với trường hợp công ty trong nước hay làm thủ tục đầu tư?
Trả lời
Chào bạn! Theo quy định tại khoản 12 điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định rõ về quốc tịch của doanh nghiệp Việt Nam.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
12. Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam.
Do vậy nếu công ty của bạn là công ty có vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam thì được xem là công ty mang quốc tịch Việt Nam và chịu sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp 2020. Về khái niệm công ty mẹ, con được quy định tại khoản 1 điều 195 luật doanh nghiệp 2020
Điều 195. Công ty mẹ, công ty con
1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Tuy nhiên, do công ty bạn là công ty có vốn nước ngoài, do đó việc thành lập một công ty con là hình thức đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điều 23 Luật đầu tư 2020 như sau:
Điều 23. Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
2. Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Theo điều 23 luật đầu tư 2020 đối với các trường hợp công ty muốn thành lập công ty con sẽ xảy ra 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Nếu vốn nước ngoài trong công ty ban đầu từ 50% thì áp dụng theo quy tại khoản 2 điều 23 luật đầu tư 2020 áp dụng tương tự như trường hợp đầu tư trong nước.
Trường hợp 2: Nếu vốn nước ngoài trong công ty ban đầu trên 50% trở lên thì áp dụng theo khoản 1 làm thủ tục đầu tư tương tự như nhà đầu tư nước ngoài