Hiện nay việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã trở nên phổ biến. Các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia đầu tư vào Việt Nam theo nhiều hình thức, theo đó các bước để tiến hành thành lập công ty có vốn nước ngoài bao gồm các công đoạn cơ bản sau:
– Xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký đầu tư
– Thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư tại phòng đầu tư nước ngoài
– Thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh
– Xin cấp giấy phép kinh doanh tại Sở Công Thương với các trường hợp phải cấp giấy phép kinh doanh
Xác định thẩm quyền giải quyết đăng ký đầu tư
Tuỳ theo lĩnh vực đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài mà thẩm quyền quyết định đối với hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ khác nhau:
Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (Điều 30 Luật đầu tư 2020)
– Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường
– Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên
– Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;
– Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 31 Luật đầu tư 2020)
– Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây: Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác; Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên; Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không; Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I; Dự án đầu tư chế biến dầu khí; Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;
– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí;
– Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên;
– Dự án đầu tư khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 32 Luật đầu tư 2020)
– Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 50 ha và có quy mô dân số dưới 15.000 người tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha và có quy mô dân số dưới 10.000 người tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt;
– Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf);
– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Các trường hợp còn lại không phải xin chủ trương đầu tư: Trừ các trường hợp đã nêu ở trên
Thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Do một số trường hợp phải xin chủ trương đầu tư của quốc hội, chính phủ, UBND tỉnh khá ít nên trong bài viết này chủ yếu để cập tới việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các trường hợp không phải xin chủ trường đầu tư. Đối với khách hàng quan tâm các trường hợp khác vui lòng liên hệ để được hỗ trợ. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại Luật đầu tư 2020 trong đó
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư; - Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Trình tự cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Bước 1: Trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài https://dautunuocngoai.gov.vn/fdi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Bước 2: Nhà đầu tư nộp bộ hồ sơ theo quy định trên tại cơ quan đăng ký đầu tư
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau:
– Hồ sơ dự án đầu tư hợp lệ theo quy định;
– Mục tiêu của dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định;
– Đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có). Điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài (điều kiện gia nhập thị trường) là điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng tại thời điểm thành lập tổ chức kinh tế, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần của tổ chức kinh tế.
Cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (bao gồm Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, các Hiệp định đầu tư song phương và khu vực) để xem xét cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư 2020.
Đối với ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết hoặc ngành, nghề dịch vụ không quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi xem xét, quyết định.
Thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh
Sau khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà đầu tư cần làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh hồ sơ gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
– Điều lệ công ty
– Danh sách cổ đông, thành viên công ty
– Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân, ĐKKD của cổ đông, thành viên công ty
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư
Hồ sơ nộp tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố nơi công ty đặt trụ sở và được thực hiện trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ
Xin giấy phép kinh doanh tại Sở Công Thương
Không phải trường hợp nào cũng phải xin cấp đăng ký kinh doanh tại Sở Công Thương, chỉ một số trường hợp bao gồm các trường hợp sau: trường hợp nào phải có giấy phép kinh doanh xin tại Sở Công Thương?
Thủ tục xin giấy phép kinh doanh tại Sở Công Thương sẽ được thực hiện trong vòng 13 ngày làm việc nếu không phải các trường hợp phải xin ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ ban ngành khác.