logo-luatdainam-trang

Các chính sách pháp luật có hiệu lực từ cuối tháng 7 năm 2023

Những chính sách sẽ cải thiện nhiều mặt của đời sống sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 7 gồm: Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); Hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp; … Bài viết dưới đây Luật Đại Nam sẽ cung cấp cho quý khách các quy định, chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 7/2023 (từ ngày 21 – 31/7/2023).

Những chính sách pháp luật có hiệu lực từ cuối tháng 7 năm 2023
Những chính sách pháp luật có hiệu lực từ cuối tháng 7 năm 2023

Mức phạt tiền tối đa với vi phạm hành chính về trồng trọt

Nội dung đề cập tại Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt, có hiệu lực từ ngày 28/7/2023.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt (trừ phân bón) đối với cá nhân là 50.000.000 đồng.

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về phân bón đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.

Mức phạt tiền quy định tại chương II, chương III của Nghị định 31/2023/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.

Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt là 01 năm. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm trong các trường hợp sau:

– Vi phạm hành chính về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

– Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng.

– Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.

Hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp

Nội dung được sửa đổi tại Thông tư 12/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 10/2018/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ ngày 21/7/2023.

Theo đó, hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp gồm:

– Bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương được thực hiện dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm trong thời gian tối thiểu 60 phút.

– Điểm kiểm tra được chấm theo thang điểm 100, yêu cầu cụ thể như sau:

+ Đối với bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, bài kiểm tra dưới 80 điểm đối với hình thức trắc nghiệm hoặc dưới 65 điểm đối với hình thức tự luận là không đạt yêu cầu.

+ Đối với bài kiểm tra kiến thức cho đầu mối tại địa phương, bài kiểm tra dưới 70 điểm đối với hình thức trắc nghiệm hoặc dưới 50 điểm đối với hình thức tự luận là không đạt yêu cầu.

(Trong khi đó, tại Thông tư 10/2018/TT-BCT quy định:

+ Bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp được thực hiện dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm trong thời gian tối thiểu 60 phút.

+ Điểm kiểm tra được chấm theo thang điểm 100, bài thi dưới 90 điểm đối với hình thức thi trắc nghiệm và dưới 75 điểm đối với hình thức thi tự luận là không đạt yêu cầu.)

Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)

Thông tư 36/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 21/7/2023.

Theo đó, mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được quy định như sau:

– Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ C/O.

– Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ C/O.

Người nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại khoản 17 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP , có hồ sơ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Bổ sung Danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng

Bổ sung một số ngành nghề học nặng nhọc, độc hại mới

Ngày 15/6/2023, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH về Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Theo đó, bổ sung một số nhóm ngành nghề học vào Danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng như sau:

– Nhóm ngành nghệ thuật trình diễn:

Đơn cử bổ sung mã 52102 (Nghệ thuật trình diễn) đối với trình độ trung cấp, gồm các mã cấp IV:

+ Mã 5210201: Nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế;

+ Mã 5210202: Nghệ thuật biểu diễn dân ca;

+ Mã 5210203: Nghệ thuật biểu diễn chèo;

+ Mã 5210204: Nghệ thuật biểu diễn tuồng;

+ Mã 5210205: Nghệ thuật biểu diễn cải lương;

+ Mã 5210206: Nghệ thuật biểu diễn kịch múa;

+ Mã 5210207: Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc;…

– Nhóm ngành công nghệ sản xuất gồm: Công nghệ sản xuất bột giấy và giấy, công nghệ sản xuất ván nhân tạo, sản xuất vật liệu hàn, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

– Nhóm ngành sản xuất và chế biến gồm: Chế biến thực phẩm, công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm, công nghệ kỹ thuật sản xuất muối, sản xuất muối từ nước biển, công nghệ dệt, may thời trang.

– Nhóm ngành du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân gồm hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lưu trú, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị buồng phòng.

– Nhóm ngành môi trường và bảo vệ môi trường gồm xử lý rác thải, an toàn phóng xạ.

– Nhóm ngành quân sự gồm trinh sát biên phòng, huấn luyện động vật nghiệp vụ, kỹ thuật cơ điện tăng thiết giáp, sử dụng và sửa chữa thiết bị vô tuyến phòng không, khí tài quang học, thông tin Hải quân, ra đa tàu hải quân.

Ngoài ra, ở trình độ trung cấp, bổ sung thêm nhóm ngành nghề được xếp vào nặng nhọc, độc hại như sau:

– Ngành công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng, bao gồm các nghề: Công nghệ kỹ thuật xây dựng; công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; xây dựng công trình thủy; lắp đặt giàn khoan; xây dựng công trình thủy điện; xây dựng công trình mỏ; kỹ thuật xây dựng mỏ.

– Ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật ô tô; công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển; công nghệ chế tạo máy; công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ; công nghệ ô tô; công nghệ hàn…

– Ngành kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật gồm các nghề: Chế tạo thiết bị cơ khí; gia công và lắp dựng kết cấu thép; gia công lắp ráp hệ thống ống tàu thủy; cắt gọt kim loại; sửa chữa máy tàu thuỷ; sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò; sửa chữa máy thi công xây dựng; bảo trì và sửa chữa thiết bị cơ giới hạng nặng; vận hành, sửa chữa máy thi công đường sắt…

– Ngành kiến trúc và xây dựng gồm các nghề: Kỹ thuật xây dựng; xây dựng cầu đường; xây dựng cầu đường bộ; cốp pha – giàn giáo; cốt thép – hàn; mộc xây dựng và trang trí nội thất…

– Ngành kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, bao gồm các nghề: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; điện công nghiệp và dân dụng; điện tàu thủy; vận hành nhà máy thủy điện; lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 220 kV trở lên;…

Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 30/7/2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày 30/7/2023.

Xem thêm:

NHẬN TƯ VẤN

Tin Liên Quan