logo-luatdainam-trang

Công ty nợ thuế người đại diện có được xuất cảnh?

Hiện nay em có một thắc mắc về vấn đề xuất nhập cảnh, kính mong Luật sư giải đáp. Tháng 9 năm 2013, em có thành lập doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn) nhưng sau đó vì có vài trục trặc về vấn đề pháp lý trong việc sử dụng văn phòng ảo nên không tiếp tục hoạt động. Công ty không có hóa đơn đầu ra – tức là không thực hiện bất kỳ hoạt động hay giao dịch nào (trừ việc mua trang thiết bị). Công ty vẫn đóng thuế môn bài năm 2013 và 2014. Nhưng các báo cáo thuế hàng tháng/quý thì không đều, có tháng có, có tháng không vì lỗi chữ ký số. Từ tháng 6 năm 2014 thì ngừng hẳn. Một số báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh, công ty em cũng không nộp vì không hoạt động. Công ty em có ký hợp đồng thuê văn phòng ảo thời hạn 1 năm vào tháng 9/2013. Trong hợp đồng có điều khoản nếu muốn chấm dứt hợp đồng thì phải báo trước 3 tháng. Năm 2014, công ty không hủy nên (có lẽ) hợp đồng đó vẫn còn hiệu lực. Nhưng bên em chưa thanh toán tiền thuê năm 2014-2015 cho bên kia. Sắp tới, em sắp đi du lịch nước ngoài. Em có xem các trường hợp cấm xuất cảnh thì không rõ với những thông tin như trên thì em có được phép xuất cảnh không. Và nếu không được xuất cảnh thì em vi phạm điều khoản nào, phải làm sao để giải quyết?

cong-ty-no-thue-nguoi-dai-dien-co-duoc-xuat-canh-2

Trả lời

Theo Điều 14 Nghị định số 05/2020/NĐ-CP công dân Việt Nam chưa được phép xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

Điều 14.
1. Công dân Việt Nam chưa được phép xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự hoặc đang bị cơ quan điều tra yêu cầu chưa cho xuất cảnh hoặc chưa cấp hộ chiếu để phục vụ công tác điều tra tội phạm.
b) Người đang có nghĩa vụ thi hành bản án; chờ để giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế, hành chính; chờ để thi hành quyết định xử phạt hành chính; đang có nghĩa vụ nộp thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ các trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản, bảo lãnh bằng tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
c) Người đã vi phạm quy chế xuất nhập cảnh bị xử phạt từ cảnh cáo hành chính trở lên thì chưa được xuất cảnh trong thời gian từ 01 đến 05 năm tính từ ngày bị xử lý vi phạm.
d) Người bị nước ngoài trục xuất vì vi phạm pháp luật của nước sở tại, nếu hành vi đó là nghiêm trọng, có hại cho lợi ích và uy tín của Việt Nam thì chưa được xuất cảnh trong thời gian từ 01 đến 05 năm, tính từ ngày trở về Việt Nam.
đ) Người mà Bộ Y tế đề nghị chưa cho xuất cảnh vì lý do y tế.
e) Các trường hợp khác vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
2. Theo yêu cầu của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án hoặc cơ quan thi hành án, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an thông báo cho lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh ở cửa khẩu thực hiện việc chưa cho xuất cảnh đối với những người thuộc diện nêu tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.
3. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc chưa cho xuất cảnh đối với công dân Việt Nam thuộc diện nêu tại các điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật và thông báo cho lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh ở cửa khẩu thực hiện việc chưa cho xuất cảnh.
4. Bộ Công an thống nhất quản lý danh sách người Việt Nam chưa được phép xuất cảnh.

Như vậy đối với trường hợp của bạn về nguyên tắc bạn không thuộc trường hợp bị cấm xuất nhập cảnh. Tuy nhiên trên thực tế sẽ có công văn yêu cầu cơ quan xuất nhập cảnh tạm dừng xuất nhập cảnh với trường hợp đại diện công ty chưa hoàn thành các nghĩa vụ thuế theo công văn 1850/TCT-PC và vẫn còn đang có nhiều tranh cãi giữa các cơ quan.

Trước đây đã có trường hợp giám đốc bị cấm xuất cảnh vì công ty nợ thuế tuy nhiên sau khi khởi kiện đã thắng kiện và tòa án đã tuyên hủy công văn yêu cầu dừng xuất nhập cảnh của chi cục thuế như sau:

Cuối tháng 5-2012, Công ty CP Delta đã khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu tòa hủy công văn của Cục Thuế TP.HCM đề nghị dừng xuất cảnh đối với tổng giám đốc công ty. Trước đó ngày 7-9-2011, sau khi bác bỏ ưu đãi đầu tư mà Công ty CP Delta được hưởng và yêu cầu nộp thuế đất hơn 8,6 tỉ đồng, Cục Thuế TP.HCM ra văn bản về đề nghị dừng xuất cảnh đối với tổng giám đốc Công ty CP Delta.
Tuy nhiên, tại phiên xét xử của TAND TP.HCM, hội đồng xét xử nhận định người có nợ thuế mà xuất cảnh để định cư ở nước ngoài hoặc có dấu hiệu bỏ trốn mới là đối tượng để dừng việc xuất cảnh. Mặt khác, việc nợ thuế nếu có là nợ của Công ty Delta chứ không phải là nợ của cá nhân chủ công ty. Do đó nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ của công ty, không phải là nghĩa vụ cá nhân. Việc Cục Thuế ban hành văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền dừng việc xuất cảnh với chủ công ty là không đúng pháp luật. Tòa tuyên hủy công văn của Cục Thuế.

cong-ty-no-thue-nguoi-dai-dien-co-duoc-xuat-canh-3

Theo quy định của Luật quản lý thuế 2019 và nghị định 126/2020/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 05/12/2020 có thêm quy định mới như sau:

Điều 66. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh (Luật quản lý thuế 2019)
1. Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
2. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 21. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh (Nghị định 126/2021/NĐ-CP)
1. Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:
a) Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
b) Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
c) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
d) Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
2. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh
a) Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền quyết định gia hạn tạm hoãn xuất cảnh và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
c) Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh chậm nhất không quá 24 giờ làm việc, kể từ khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh
a) Sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế lập danh sách cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản theo Mẫu số 01/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
b) Ngay trong ngày nhận được văn bản tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh theo quy định và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
c) Trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì trong vòng 24 giờ làm việc cơ quan quản lý thuế ban hành văn bản hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo Mẫu số 02/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.
Trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh 30 ngày mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế gửi văn bản gia hạn tạm hoãn xuất cảnh theo Mẫu số 02/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi người nộp thuế biết.
d) Văn bản tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được gửi qua đường bưu chính hoặc bằng phương thức điện tử nếu đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp văn bản gửi cho người nộp thuế qua đường bưu chính mà bị trả lại và văn bản đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế thì được coi là văn bản đã được gửi.

Điểm mới: Căn cứ Điều 66 và Khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, Nghị định đã quy định bổ sung trường hợp cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

Trước đây: Chỉ quy định người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế (khoản 1 Điều 40 Thông tư số 156/2013/TT-BTC).

Theo quy định mới trên, người đại diện công ty đang bị cưỡng chế nợ thuế có thể bị cấm xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, hiện tại theo quy định về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật chưa có quy định để người đại diện tự thay đổi sang đại diện mới (tham khảo bài viết ở trên) do thẩm quyền là của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông. Do vậy, cần lưu ý khi đứng tên đại diện theo pháp luật công ty.

NHẬN TƯ VẤN

Tin Liên Quan